Người ta vẫn luôn tranh luận về nguồn gốc cây chè là ở Trung Quốc, Ấn Độ, hay Việt Nam? Cùng tìm hiểu Cây chè trong sách cổ của cha ông ta nhé.
1. Cây chè trong sách cổ từ ngày xưa
- Nhà khoa học Liên xô Djemukhatze đã xác định Việt Namlà quê hương cây chè trên thế giới, theo sơ đồ: Camellia → chè Việt Nam → chè Trung Quốc → chè ấn Độ → Chè lan tỏa các vùng trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, cây chè có nguồn gốc từ đâu vẫn chưa ngã ngũ. Cây chè ban đầu được sử dụng như là một vị thuốc thảo dược. Sau đó, do những tác dụng tuyệt vời, cây chè được sử dụng làm nước uống và nâng lên tầm nghệ thuật sau này.
Hình ảnh người Việt uống trà vào thế kỷ 12
- Từ xưa, người ta đã tương truyền rằng cái gì không biết thì đến hỏi Đôn Gia. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong cuốn sách “Vân Đài loại ngữ” có chép rằng: một số ngọn núi Am thiền, Am giới và Am các ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đều sản xuất thứ chè như sách trong trà Kinh nhắc đến. Người dân bản địa hái lá chè về, giã nát rồi phơi khô, đem nấu nước uống. Uống vào có tính hàn, giải khát, ngủ ngon, mát tim phổi. Ở khu đó có loại chè Bạng được người dân chuyên làm và bán theo phương thức hàng hóa. Dần dà, hình thành nhiều làng trồng chè ngon như làng chè Đồng Lạc, làng chè Đông Quy, làng Tuy Lai và Thượng Lâm…
- Trong các thư tịch Hán Nôm cổ cũng đã đề cập đến hoạt động trồng và thu hái chè của người dân Việt cổ. Cụ thể, người dân chọn sườn dốc thoải, đào vườn chè thành hàng, sâu 4-7 tấc. rộng 5-8 tấc. Phân xanh và súc vật đảo đều bón xuống rãnh, rồi lấp bằng lại. Sau đó ươm hạt chè, tưới nước ngày hai lần, thường xuyên làm cỏ, lấy rơm rạ phủ lên mầm chè non. Mỗi gốc chè bán được khoảng 15 xu một năm sau khi hái và đem bán. Cây chè sau khoảng hơn chục năm thì phải đốn bỏ ươm cây mới.
2. Hình ảnh trà trong văn thơ cổ
- Trà cũng được nêu nhiều trong các sách văn thơ cổ, trong đó thể hiện sự tụng ca việc uống trà, lợi ích tinh thần của trà mang lại trong việc quên hết u sầu, sạch mong đau khổ, lòng phơi phới, tự tại giữa cuộc đời. Trong thơ Nguyễn Du, cụ có nhắc đến trà trong Truyện Kiều: Khi hương sớm lúc trà trưa/ Bàn lan điểm nước đường tơ họa đàm. Nguyễn Khuyến một mình độc ẩm với chén trà, ung dung cùng cỏ cây mây trời mà có thơ rằng:
Khi vườn sau, khi sân trước
Khi điếu thuốc, khi miếng trầu
Khi trà chuyên năm ba chén
Khi Kiều lẩy một đôi câu
- Còn cụ đồ nho Phạm Đình Hổ cũng từng viết, thời cụ sinh trưởng, giới thượng và trung lưu thành thị thì uống chè Ô Long, chè Mạn Hảo, chè ướp sen, nhài, sói rất tinh tế và đầy nghệ thuật. Cách uống này còn được lưu truyền và tiếp nối đến ngày nay. Chè thì mua những gói chè củ ấu chính hiệu ở các phố hoa kiều. Trong khi đó, người nông dân lao động, người nô lệ thì uống chè tươi tự nấu hoặc từ những quán nước chè đơn sơ bên đàu làng, bến đò, bãi chợ với mấy cái kẹo bột cút kít trên chõng che, hóng gió giời. Hình ảnh tương đồng chúng ta có thể hình dung như các quán trà đá vỉa hè ngày nay.
- Còn cây chè Thái Nguyên, theo sách cổ thì có nguồn gốc từ Phú Thọ. Công đầu thuộc về ông Đội Năm coi sóc vùng Tân Cương Thái Nguyên đã mang giống chè này về trồng, không ngờ với đặc điểm thổ nhưỡng tuyệt vời, chè trồng ở Thái nguyên trở thành đệ nhất danh trà với thương hiệu chè Tân Cương Thái Nguyên (chè móc câu) nổi tiếng.
- Lược theo Đỗ Ngọc Quỹ