Không gian thực hành trà đạo Nhật Bản gọi là trà thất. Trà thất cùng các dụng cụ pha trà được làm đơn giản, mang tính nghệ thuật truyền thống và hướng đến một sự tĩnh lặng, giao hòa và gợi mở.
Nội Dung
1. Nghệ thuật trà thất ở Nhật Bản
- Trà thất (Chashitsu) khi thực hiện các nghi thức trà đạo Nhật nằm trong các khu vườn thanh tịnh. Phòng trà là phòng kiểu Nhật, được xây dựng từ vật liêu chính là gỗ. Nền là những tấm thảm tatami. Lối vào các trà thất thường nhỏ hẹp, được ghép thành từ các viên đá lớn. Cách bày trí bên ngoài và bên trong trà thất rất đơn giản, mộc mạc và thô sơ.Bên trong thường có treo một bức tranh thủy mặc, tranh của các danh họa nổi tiếng hoặc một câu thư pháp nơi hốc tường, một bình hoa hoặc một tượng gốm. Bố trí trong phòng trà cũng rất được chú ý.
- Có thể thấy rằng, nghi thức Trà đạo rất phù hợp với triết lý hoà hợp thiên nhiên của Thiền. Con người là tiểu vũ trụ, thiên nhiên là đại vũ trụ và con người sẽ sống thật nhất với bản chất của mình khi con người hoà vào thiên nhiên, giao hòa để nhận thực và ngộ ra được chân lý cuộc sống.
Không gian trà thất điển hình trong trà đạo Nhật
2. Các nhóm hóm thưởng thức trà được thành lập
- Những người Nhật thích uống trà thường thành lập những nhóm nhỏ, chọn ngày mời nhau cùng thưởng thức. Số người tham gia mỗi lần không vượt quá 4 người và hoàn cảnh tổ chức một buổi trà đạo cũng có những quy định đặc biệt. Trong vườn có những con đường nhỏ lát đá, quanh co với hai bên trồng hoa và cây cảnh làm cho không gian trong vườn yên tĩnh và thanh nhã. Thời gian tổ chức trà đạo chia ra làm 4 loại: trà sáng, sau ăn cơm, giữa trưa và câu chuyện buổi tối. Khách mời đúng giờ đến phòng nghỉ, gõ vào chiếc chuông gỗ báo hiệu đã đến. Chủ nhà nghe tiếng chuông sẽ từ phòng trà ra đón khách.
- Trước cửa phòng trà có đặt một chiếc cối đá đựng đầy nước, khách phải rửa sạch tay trước khi vào phòng. Khi bước vào phòng phải khom mình tỏ ý khiêm tốn. Nếu khách là võ sĩ thì phải tháo kiếm trước mới được bước vào để biểu thị không khí hòa bình. Trong số khách, người tinh thông trà đạo được cử làm người chủ trì. Trong phòng trà, một góc chiếu có đặt bếp lò và nồi nước bằng gốm, trước bếp đặt bộ đồ trà. Bộ đồ trà thường thô, với những hoa văn đơn giản màu đen đậm dáng vẻ cổ kính. Trong khi chủ nhân đun nước thì khách dùng điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm căn cứ vào thời tiết.
3. Cách pha trà độc đáo
- Có hai cách pha trà là pha đặc và pha loãng. Trà đặc thông thường ba người thay nhau uống một bát, mỗi người ba hớp rưỡi hết 1/3 bát. Trà loãng mỗi người uống riêng một bát. Trà đặc có màu xanh đậm, hương thơm hơi chát. Bát đầu tiên mời người chủ trì, người chủ trì nâng bát trà ngang trán rồi mới uống. Khi uống phải chép miệng để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của chủ nhân. Khi tất cả khách uống xong thì nghi thức trà đạo cũng kết thúc. Nhưng đôi khi còn một nghi lễ cao hơn là ăn cơm thường sau khi uống trà.
- Khác với các phong cách uống trà thông thường, mọi người chuyện trò rôm rả, trà đạo Nhật thường diễn ra trong tĩnh lặng, có chăng, mọi người trò chuyện chậm rãi, về những triết lý của cuộc sống bên chén trà thơm.
4. Các trường phái trà đạo ở Nhật Bản
- Có nhiều trường phái Trà đạo Nhật Bản, trong đó có ba trường phái lớn là: Risenka, Hyosenka và Bushakoro Senka. Mỗi nhà đều theo chế độ gia truyền – tức là con thường kế nghiệp bố làm người chủ trì trà đạo của gia đình đó.
- Trà đạo ngày nay càng phổ biến hơn ở Nhật Bản, rất nhiều cô gái trẻ dồn tâm sức học tập trà đạo, tu nhân dưỡng tính để cuộc sống gia đình cũng như cuộc sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ hơn.
- Thực hành trà đạo, con người trở nên bình tĩnh hơn trước thời cuộc, từ đó tránh xa được những cám dỗ nhất thời mà thấy được đường xa, ứng xử khoan hòa hơn.
Theo chè tân cương thái nguyên